Chuyển đổi số (CĐS) là một nhiệm vụ mới và yêu cầu triển khai cấp bách, do vậy các nhiệm vụ giải pháp phải được triển khai đồng bộ. Trong đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về CĐS là nhiệm vụ quan trọng tiên quyết, thường xuyên được các cấp ủy đảng, chính quyền phối hợp với các ngành chức năng quan tâm tổ chức thực hiện, góp phần vào thành công chung trong lộ trình CĐS của tỉnh.
|
Đoàn viên thanh niên xã Nam Phong (thành phố Nam Định) hướng dẫn người dân tra cứu thông tin sản phẩm hoa, cây cảnh của xã qua mã QR. |
Xác định để CĐS thành công trước tiên phải chuyển đổi nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia tích cực của cộng đồng, vì vậy UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp truyền thông đến mọi đối tượng về nhiệm vụ này. Trong đó, tập trung phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, địa phương về CĐS; sự cần thiết của CĐS cũng như các cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng; các giải pháp phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và một số lĩnh vực cần ưu tiên CĐS của tỉnh; tuyên truyền về việc chuyển đổi, phát triển và ứng dụng các hạ tầng thiết yếu cho hệ thống, mạng lưới và dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh… Hình thức tuyên truyền cần đa dạng, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện đơn vị, địa phương mình: tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nội dung; sao gửi tài liệu đến các đối tượng tự nghiên cứu; viết, soạn tin, bài về CĐS, công nghệ số đăng phát trên trang tin nội bộ, hệ thống loa truyền thanh; hướng dẫn, triển khai các bước ứng dụng công nghệ số trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp...
Là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, dẫn dắt quá trình CĐS của toàn tỉnh, Sở TT và TT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CĐS trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Bộ TT và TT tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức về CĐS cho cán bộ, lãnh đạo tỉnh; tổ chức 9 hội nghị về CĐS cho các cơ quan, đơn vị; đào tạo về CĐS trên nền tảng học trực tuyến mở Onetouch và hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho cán bộ, công chức 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn... Sở cũng thường xuyên có văn bản hướng dẫn Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền về CĐS trên hệ thống đài phát thanh cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đều được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến trên nền tảng số Cốc Cốc, các nền tảng mạng xã hội với hàng chục nghìn lượt người tham gia. Sở cũng phối hợp với các cơ quan Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử mở Chuyên mục CĐS để thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về CĐS, quá trình, kết quả triển khai thực hiện; những vấn đề thực tiễn phát sinh và giải pháp, kinh nghiệm xử lý...
Các sở, ngành, đoàn thể khác cũng tập trung tuyên truyền nhiệm vụ CĐS đến từng cán bộ, công chức, viên chức và hội viên theo đặc thù nhiệm vụ. Trong đó, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Sở TT và TT, VNPT Nam Định, Bưu điện tỉnh và các địa phương tổ chức tập huấn kỹ năng số cho tất cả đoàn viên, thanh niên tham gia tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền CĐS tới từng người dân; khuyến khích đoàn viên, thanh niên duy trì tốt công tác tuyên truyền CĐS tại cơ quan, đơn vị; chủ động hỗ trợ cộng đồng nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ số. Tích cực thực hiện CĐS các hoạt động Đoàn, tổ chức các sân chơi, cuộc thi, hội thi, sự kiện về CNTT, công nghệ số cho đoàn viên, thanh niên. Nổi bật là Hội trại thanh niên với chủ đề “Tuổi trẻ Thành Nam tiên phong CĐS” do Thành Đoàn Nam Định tổ chức trong dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 với hàng chục mô hình CĐS của các cơ sở trên địa bàn nhằm đưa kỹ năng số đến với cộng đồng nhiều hơn và nhanh hơn.
Tại cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố, công tác tuyên truyền về CĐS được triển khai trực tiếp theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để mọi người dân đều có thể tiếp cận công nghệ số. Ở huyện Giao Thủy, đối tượng, hình thức tuyên truyền CĐS được thực hiện theo điều kiện làm việc, trình độ và khả năng sử dụng công nghệ số của người dân, nhất là các đối tượng đặc thù, để đảm bảo phù hợp, đạt hiệu quả cao. Trong đó, việc tuyên truyền ứng dụng công nghệ số quản lý tàu cá cho ngư dân được thực hiện hiệu quả thông qua việc rà soát thời điểm tàu cá về bờ, cán bộ trực tiếp đến từng tàu, gặp từng ngư dân để tuyên truyền, hỗ trợ đăng ký, sử dụng tần số vô tuyến điện cho tàu cá. Ở các huyện Vụ Bản, Trực Ninh, cùng với việc nâng cao kỹ năng số cho lực lượng nòng cốt làm hạt nhân tuyên truyền CĐS thì đều phối hợp chặt chẽ các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông để cung cấp và hỗ trợ đưa dịch vụ số đến với người dân.
Bằng nhiều cách làm sáng tạo trong công tác tuyên truyền, nói đi đôi với làm, “cầm tay chỉ việc”, nội dung nhiệm vụ CĐS đã nhanh chóng đi vào đời sống, đến với các thành phần trong xã hội và được thực thi rộng khắp, góp phần quan trọng đưa tỉnh ta vào “top” dẫn đầu toàn quốc về CĐS trong điều kiện chi phí hạn chế. Người dân đã thấy được sự quan trọng của CĐS và chủ động tiếp cận, học hỏi, mạnh dạn tương tác với chính quyền, doanh nghiệp thông qua các dịch vụ số cũng như nâng cao ý thức tự bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trên môi trường số, tuân thủ các quy tắc về sử dụng dịch vụ số, ứng xử trên mạng; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân. Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về CĐS bằng các hình thức phù hợp để người dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu hết ý nghĩa của CĐS. Mỗi cán bộ, đảng viên chủ động, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ CNTT, sẵn sàng tham gia tuyên truyền để lan tỏa lợi ích, ý nghĩa của ứng dụng công nghệ số, góp phần thực hiện thành công chương trình CĐS trên địa bàn./.